Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thế nào là phản ứng dị ứng và các bệnh dị ứng thường gặp

Xấp xỉ 25% dân số trên thế giới bị một hoặc vài bệnh dị ứng, tỉ lệ này xu hướng ngày càng tăng. Vậy phản ứng dị ứng là gì? Nguyên nhân và hậu quả của phản ứng dị ứng ra sao là vấn đề nhiều người quan tâm.

benh-di-ung-da

(Ảnh minh họa)

Chúng ta thường nghĩ về các bệnh dị ứng khi bị mề đay, ngứa, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mắt. Tuy nhiên những dấu hiệu trên chỉ là triệu chứng của một số bệnh dị ứng. Phản ứng dị ứng thực sự là hậu quả của các sự kiện xảy ra trong hệ miễn dịch của bạn.

Hệ miễn dịch:

Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại những vật, chất khác nhau có trong môi trường. Trong vô số các chất này, thuật ngữ “dị nguyên” là chất gây kích thích đáp ứng của cơ thể. Ở những người dị ứng có một loại kháng thể được gọi là immunoglobulin E (IgE). Khi dị nguyên (thức ăn, phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi nhà) xâm nhập vào cơ thể của người có cơ địa dị ứng, hàng loạt các phản ứng xảy ra và sản xuất ra kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên đó. IgE đặc hiệu này đi tới gắn vào bề mặt của các tế bào mast (tế bào này đặc biệt có nhiều ở mũi, mắt, phổi và dạ dày ruột) và chờ dị nguyên đặc hiệu của chúng. Mỗi loại IgE có “rada” đặc hiệu cho mỗi loại dị nguyên.

Trong quá trình sống mọi người dị ứng tiếp xúc dần với các dị nguyên mà họ nhạy cảm. Các dị nguyên này bị IgE đặc hiệu bắt giữ và kết hợp lại thành tổ hợp kháng thể – kháng nguyên. Tổ hợp này kích thích tế bào mast giải phóng ra histamine và các chất trung gian hóa học khác. Những chất này gây ra phản ứng dị ứng như phù nề các mô, hắt hơi, khò khè, ho và các phản ứng khác.

Phản ứng dị ứng điển hình vẫn tiếp tục, các chất trung gian mới được giải phóng lại thu hút các tế bào viêm xung quanh làm tăng đáp ứng viêm tại chỗ. Rất nhiều triệu chứng của bệnh dị ứng mãn tính như sưng nề, tăng tiết dịch, tăng mẫn cảm với các kích thích là kết quả của viêm do tiếp xúc liên tục với dị nguyên.

Vậy tại sao cùng tiếp xúc với dị nguyên mà có người bị dị ứng còn người khác lại không bị? Tiền sử gia đình dị ứng là yếu tố quan trọng nhất trong sự tiến triển của bệnh dị ứng. Nếu một trong bố hoặc mẹ bị dị ứng thì nguy cơ con sẽ tiến triển bệnh dị ứng khoảng 30-40%; và tỷ lệ này sẽ là 60-70% nếu cả hai bố và mẹ đều mắc bệnh dị ứng.

Các loại bệnh dị ứng thường gặp:

Viêm mũi viêm xoang dị ứngViêm da dị ứng
Viêm tai giữa dị ứngMày đay (phát ban)
Viêm kết mạc dị ứngPhản ứng dị ứng với thức ăn
Hen phế quảnDị ứng với cao su
Dị ứng thuốcDị ứng với vết cắn côn trùng

Viêm mũi dị ứng đặc trưng bởi ngạt mũi, hắt hơi, xung huyết, ngứa và chảy mũi. Tương tự như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng cũng xuất hiện khi mắt phản ứng dị nguyên với triệu chứng mắt đỏ, ngứa, sưng và chảy nước mắt. Viêm xoang và viêm tai giữa là những bệnh dị ứng phổ biến mà thường bị kích thích bởi viêm mũi dị ứng. Viêm xoang là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính của các xoang mũi, chúng là những khoang rỗng trong xương má nằm xung quanh mắt và sau mũi. Viêm tai giữa là bệnh trẻ em phổ biến nhất phải đi khám bác sĩ. Nếu điều trị không đầy đủ có thể ảnh hưởng đến phát âm và phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Hen phế quản là bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến 300 triệu người trên thế giới, đặc trưng bởi ho, nặng ngực, khò khè và khó thở. Viêm mũi dị ứng được coi như yếu tố nguy cơ tiến triển thành hen: tới 70% số người hen bị viêm mũi dị ứng. Hen có thể xuất hiện do hít phải các dị nguyên hô hấp hoặc kích thích khác như viêm nhiễm đường hô hấp, hoạt động mạnh, khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm.

Viêm da dị ứng được gọi là eczema do da tiếp xúc với dị nguyên. Triệu chứng ở da bao gồm: ngứa, đỏ da, tróc da hoặc lột da, xuất hiện ở trẻ nhỏ khoảng 80% người viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng thường là triệ chứng tiền trạm của các rối loạn dị ứng khác ví dụ trên 50% trẻ viêm da dị ứng sau này sẽ phát triển thành hen.

Mày đay hoặc phát ban, phản ứng dị ứng khác ở da, đặc trưng bởi sưng, đỏ, ngứa có thể xuất hiện từng mảng to hoặc nhỏ. Mày đay thường do dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thuốc. Những thức ăn thường gây mày đay bao gồm: lạc, cà chua, cá biển và tôm cua… Các thuốc hay gây dị ứng: penicillin, sulfa, thuốc chống co giật và aspirin.

Dị ứng thức ăn có thể xuất hiện phản ứng nặng, đe dọa đến tính mạng khi họ ăn phải loại thức ăn đó. Những thức ăn gây dị ứng phổ biến nhất là protein sữa bò, trứng, hạt lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua. Dị ứng thức ăn xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Tỷ lệ thức ăn sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.

Nguyên tắc chẩn đoán và điều trị các phản ứng dị ứng:

Bác sĩ dị ứng có khả năng tốt nhất để điều trị các bệnh dị ứng. Để xác định liệu bạn có dị ứng hay không, bác sĩ khai thác bệnh sử và khám xét kỹ lưỡng. Nếu cần thiết thì bạn sẽ được làm một số test đặc hiệu như: test lảy da với các dị nguyên nghi ngờ, đo chức năng hô hấp, hoặc đôi khi làm test máu (IgE đặc hiệu), để xác định chính xác chất nào gây ra dị ứng của bạn, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị cụ thể cho bạn.

Giảm tối thiểu tiếp xúc với dị nguyên đặc hiệu trong môi trường.Dùng thuốc giảm các triệu chứng dị ứng và giảm viêm mãn tính.Điều trị giải mẫn.

TÓM LẠI: Phản ứng dị ứng là một chuỗi các hiện tượng phức tạp liên quan đến nhiều thành phần tế bào, các chất hóa học và các mô toàn cơ thể. Trong khi chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn các bệnh dị ứng, chúng ta có rất nhiều biện pháp giúp giảm triệu chứng. Nếu bạn bị dị ứng, hãy đến khám chuyên khoa Miễn dịch – Dị ứng để cùng với bác sỹ xác định nguyên nhân là lựa chọn hướng điều trị phù hợp và tốt nhất đối với bạn. Bác sĩ Miễn dịch – Dị ứng có thể cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin cập nhật về các phản ứng dị ứng.

BS Lê Thị Minh Hương

(Theo benhviennhitrunguong.org.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phòng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Chăm sóc trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ Ở lứa tuổi này, trẻ từ khi được bú mẹ đến lúc cai sữa mẹ và ăn bữa ăn của người lớn ở các nước thường có tỉ ...